Thương lái bán đến đâu, mua đến đó
Giữa trưa nắng những ngày cuối năm, trong con hẻm nhỏ ở đường Phạm Phú Thứ (quận 6), bà Nguyễn Thị Thu Hồng (53 tuổi, chủ cơ sở làm chổi đót) cùng hàng chục nhân công đang tất bật chuẩn bị những chuyến hàng Tết.
Vừa nhanh tay hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc chổi đót, bà Hồng vừa than thở “năm nay sức mua giảm 50%”. Những năm trước, mỗi ngày cơ sở của bà Hồng có thể cung cấp ra thị trường 200-300 cây chổi/ngày. Có những năm, thương lái gọi điện cho bà Hồng “cháy máy” để đặt hàng Tết.
Theo vị tiểu thương này, cơ sở của bà là một trong những nơi làm chổi đót lâu đời ở TPHCM còn hoạt động. Ngoài bán hàng trong nước, cơ sở của bà còn cung cấp chổi cho công ty chuyên xuất khẩu chổi ra nước ngoài.Tuy nhiên, cả năm nay chỉ có 2 chuyến hàng thay vì 4 chuyến như những năm trước.
“Đơn hàng không còn nữa, thương lái khi nào bán hết hàng mới đến đặt mua. Doanh thu giảm nhưng giá nguyên vật liệu lại tăng cao, tôi cũng chỉ dám tăng giá chổi lên một chút để níu chân mối quen. Làm việc quanh năm, giờ tôi chỉ mong không lỗ để duy trì nghề truyền thống”, bà Hồng nói.
Theo bà chủ cơ sở làm chổi, nhu cầu mua sắm của người dân năm nay cũng thay đổi. Thay vì mua chổi cho năm mới, nhiều người có xu hướng giữ lại chổi cũ nếu vẫn còn dùng được, nhằm tiết kiệm tiền trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Nói đến chuyện truyền nghề cho thế hệ sau, bà Hồng lắc đầu, cười trừ. Xung quanh bà Hồng, bụi đót bay khắp nơi, bám vào quần áo, tóc của người làm chổi. Với sự vất vả ấy, bà Hồng ngậm ngùi khi phải thừa nhận rằng rất khó để thế hệ sau có thể kế thừa nghề truyền thống này.
Cắt giảm 50% nhân công
Đang làm công đoạn cột cố định những chiếc chổi với bàn tay chai sạn, chị Liễu (43 tuổi), chủ vựa chổi gần cơ sở bà Hồng, thở dài khi nghề truyền thống hết “thời hoàng kim”. Những người con của chị Liễu cũng đang làm việc ở lĩnh vực khác, không có ý định nối nghiệp ba mẹ.
“Trước đây, nơi này hầu như nhà nào cũng làm chổi. Từ sáng đến chiều, nhân công ngồi tràn ra phía bên ngoài mặt đường, tất bật làm chổi từ sáng đến tận đêm.
Tuy vậy, giờ chỉ còn vài hộ giữ nghề, chúng tôi cũng chỉ làm đến chiều tối là nghỉ. Đơn hàng không còn nhiều như trước, năng suất của người thợ cũng dần giảm đi”, chị Liễu nói.
Theo anh Nguyễn Minh Nhật, chủ cơ sở chuyên doanh chổi tại huyện Bình Chánh (TPHCM), cơ sở của anh cũng ghi nhận lượng đơn hàng giảm hơn 50% trong dịp Giáp Thìn. Từ số lượng 5.000 cây cung cấp ra thị trường hằng tháng, giờ đây đơn vị của anh bán chưa đến 2.000 cây.From: nhà cái casino online
“Tôi cũng tìm cách mở rộng đơn hàng, hỏi thăm đầu mối xuất khẩu sang các nước lân cận nhưng vẫn còn chật vật quá. Mỗi cây chổi mất nhiều công đoạn, sức lực để hoàn thành nhưng chúng tôi chỉ lãi được vài nghìn đồng. Nếu tình hình cứ tiếp tục khó khăn, tôi e là phải cắt giảm thêm nhân công ở xưởng”, anh Nhật bộc bạch.
Ngoài ra, anh cho hay xưởng còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu. Bởi thời gian qua, nguồn nguyên liệu là cây đót ngày càng ít đi.
Để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, anh Nhật đã đầu tư máy móc và bỏ bớt một số công đoạn trong chổi.
“Từ 20 nhân công, giờ đây xưởng chỉ giữ lại một nửa”, anh Nhật chia sẻ.
Chủ xưởng chổi cho rằng việc ứng dụng máy móc vào nghề truyền thống có thể khiến nhiều nhân công bị mất việc. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận đó là cách tốt nhất để cơ sở sản xuất chổi của anh có thể bám trụ, vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Xóm làm chổi đót trên đường Phạm Phú Thứ được hình thành từ thập niên 60 thế kỷ trước, do những người dân di cư từ Quảng Ngãi mang vào. Những cây chổi khi hoàn thiện có giá bán sỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/cây, có loại còn có giá 70.000-100.000 đồng.